Flash News
Được tạo bởi Blogger.
Mail Instagram Pinterest RSS
Mega Menu

Các chủ đầu tư BĐS rục rịch chuẩn bị đón khách ngoại

Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó quy định mở cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được coi là "cú huých" thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang lên kế hoạch để đón nguồn khách ngoại khi Luật này có hiệu lực.

Chủ đầu tư dự án chuẩn bị đón dòng tiền mới

Quy định mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam hiện đang tạo ra hiệu ứng tấm lý tốt cho thị trường mặc dù đến tháng 7/2015, Luật Nhà ở sửa đổi mới chính thức có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho hay, để chuẩn bị đón dòng tiền mới đầy tiềm năng này, doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch cụ thể.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, dù có thể chưa có hiệu ứng ngay lập tức nhưng quy định mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường phát triển.
Ông Huỳnh Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Đào tạo quốc tế Leader Real, Giảng viên - CRS (Hoa Kỳ) nhận định, nhiều người nước ngoài muốn mua nhà để sinh sống lâu dài tại Việt Nam bởi sức hút từ con người, văn hóa, thắng cảnh, thời tiết, ẩm thực và chính trị ổn định của nước ta.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, tại Việt Nam, đang có hơn 80.000 người nước ngoài làm việc, sinh sống lâu dài. Đó là các chuyên viên cao, trung cấp đang làm việc cho các công ty trong và ngoài nước có nhà máy sản xuất, văn phòng tại Việt Nam; là những người kết hôn với người có quốc tịch Việt Nam; là những người sang Việt Nam để làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; là những nhà đầu tư, kinh doanh nhỏ lẻ... Đặc biệt, hầu hết trong số đó đều là những đối tượng có nhu cầu và khả năng về nhà ở, đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, con số này không nhỏ.
Hiện nay, tại các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội, nhu cầu về nhà ở của người nước ngoài là lớn nhất... hay các địa phương đã và đang có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...
Đơn cử, tính đến tháng 9/2014, tại Bình Dương đã có 2.344 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hơn 20,2 tỷ USD với hàng chục lao động, chuyên gia người nước ngoài đang làm việc.
người nước ngoài mua nhà
Hiện nay, nhiều người nước ngoài có nhu cầu mua và sở hữu nhà ở để làm việc
và định cư lâu dài tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn
Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng Hoàng Anh Tuấn cho biết, điều đó dẫn đến một nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho lực lượng cán bộ quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đang làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy tại Bình Dương.
Theo ông Tuấn, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế này, Bình Dương thời gian qua đã xuất hiện một số dự án xây dựng "làng chuyên gia" ở các khu công nghiệp như VSIP, Mỹ Phước... nhưng nhu cầu về nhà ở của người nước ngoài mới chỉ dừng lại ở việc thuê nhà do rào cản về pháp lý. Chắc chắn thời gian tới, với quy định mở rộng cửa cho người nước được mua và sở hữu nhà, tại Bình Dương xu hướng nhà ở cho người nước ngoài sẽ sôi động, nhất là tại Thành phố mới Bình Dương, nơi đang hình thành đầy đủ các điều kiện về tiện ích sinh sống, hạ tầng.
Tương tự Bình Dương, Đồng Nai cũng đang là địa phương có số lượng người nước ngoài đang làm việc, sinh sống khá lớn. Phó tổng giám đốc Phúc Khang Corporation Luk Ban La, chủ đầu tư khá nhiều dự án ở Đồng Nai như Ecosun, Sunflower... cho biết, qua khảo sát có thể thấy, nhu cầu nhà ở của các chuyên gia người nước ngoài hiện khá lớn. Nhưng chủ yếu các chuyên gia đều thuê nhà ở tại Tp.HCM rồi xuống Đồng Nai làm việc, vấn đề đi lại bất tiện vì khá xa. Thời gian qua, một mặt do điều kiện về dịch vụ hạ tầng chưa đáp ứng, một mặt do rào cản về pháp lý nên Đồng Nai chưa thu hút được người nước ngoài mua nhà.
Theo ông Luk Ban La, hiện các dự án do Phúc Khang đầu tư đều xây dựng các khu dành cho người nước ngoài. Vì thế, khả năng các dự án của Phúc Khang sẽ thu hút được đối tượng người nước ngoài mua nhà với quy định mới theo hướng nới lỏng cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, cùng với hạ tầng được đầu tư bài bản.

Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tạo “sân chơi” công bằng

Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia trong và ngoài nước hầu hết đều có chung nhận định, sự thay đổi có ý nghĩa lớn đối với thị trường BĐS Việt Nam là những chính sách mới, vấn đề còn lại là áp dụng những quy định này vào thực tế như thế nào.
Theo Giám đốc điều hành CBRE Richard Leech, Luật Nhà ở sửa đổi mới thông qua sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường; đồng thời, xóa đi những rào cản ban đầu, tạo một "sân chơi" công bằng hơn giữa người dân Việt Nam và người nước ngoài. Có thể chưa có tác động ngay lập tức, nhưng việc sửa đổi lần này chắc chắn sẽ giúp thị trường nhà ở gần đây đã được cải thiện sẽ đi theo hướng tích cực hơn. Như vậy, chính sách thay đổi này có thể giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, điều này đặc biệt cần thiết cho thị trường BĐS Việt Nam vốn đã bị chững lại sau thời kỳ bùng nổ trước năm 2008.
Dưới một góc độ khác, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam Timothy Horton nhận định, quy định mới có tác động lớn vào thị trường BĐS hay không còn phụ thuộc vào định nghĩa “Việt kiều/người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp” do quy định của luật. Nếu quy định “thị thực hợp pháp” (có thời gian cư trú cụ thể) trong trường hợp này là dành cho những người nước ngoài, Việt kiều hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam thì quy định này sẽ không mang đến nhiều tác động lớn cho thị trường nói chung. Nhưng nếu “thị thực hợp pháp” trong trường hợp này là dành cho tất cả những cá nhân không hạn chế về nơi cư trú hiện tại, có khả năng nhập cảnh vào Việt Nam một cách hợp pháp thì nguồn cầu đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên ở khắp các khu vực Đặc biệt là từ những vùng lãnh thổ, quốc gia vốn đang tìm kiếm thị trường đầu tư từ nước ngoài và giá không quá cao như tại Việt Nam.
Ông Timothy Horton chia sẻ, tại phân khúc nhà ở cao cấp và trung cấp theo dự kiến, lượng cung được hấp thụ sẽ tăng dần. Mức giá của hai phân khúc này vượt xa so với túi tiền của số đông người dân Việt Nam. Tuy nhiên, so với tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, mức giá đó lại khá vừa phải. Những quy định cấp phép cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà cần phải được nới lỏng hơn nữa để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước láng giềng về mặt thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ giúp những cá nhân, tổ chức trong khu vực khi đầu tư vào Việt Nam cảm thấy tự tin hơn bởi họ có một hình thức bảo đảm tài sản ở đây và đồng thời có thể thu lợi nhuận.
Còn theo Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung, chắc chắn chưa có nhiều người nước ngoài mua nhà trong ngắn hạn, nhưng đây là một liệu pháp rất tốt cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Vì bên cạnh ngành BĐS luôn có những ngành nghề khác phụ trợ như tín dụng, vật liệu xây dựng... Bên cạnh đó, đây được xem là điều luật đột phá, có ý nghĩa rất lớn và tác động đến cách nhìn về môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế kể từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập với kinh tế quốc tế.
Ông Trung tính toán và đặt vấn đề: “Mục a Khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở sửa đổi có quy định, trung bình mỗi phường, tổ chức cá nhân người nước ngoài được mua, thuê mua và sở hữu không vượt quá 250 căn nhà. Tp.HCM có tổng cộng 322 phường, xã, nhưng đâu phải tất cả phường, xã này đều nằm ở trung tâm. Như vậy, tính ra có 80.500 trường hợp người nước ngoài được thuê, mua và sở hữu nhà tại Tp.HCM”. Trong tất cả các phường này, những người nước ngoài có được chọn lựa hay không? Ví dụ như tai Phú Mỹ Hưng (nếu tính cả phường Tân Phong), có bao nhiêu trường hợp được mua? Do đó, sẽ có những phường không được bán thêm nhà trong khi người nước ngoài muốn mua, nhiều chỗ có nguồn cung lớn nhưng không phải dự án nào cũng có thể làm hài lòng đối tượng này.
Cũng theo ông Trung, dù rất kỳ vọng và phấn khởi nhưng sắp tới, hy vọng Chính phủ sẽ kịp thời ban hành những Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với thực tế. Đơn cử, để tránh sự cạnh tranh với người dân thu nhập thấp trong nước chưa có nhà ở, cần quy định cụ thể người nước ngoài nên tập trung vào phân khúc nhất định theo hướng cao cấp.
(Theo Đầu tư chứng khoán) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét